Nếu bạn đã bắt đầu kỳ học ở Đức vào học kỳ mùa đông 2024/25, thì trước hết, xin chúc mừng! Nếu bạn đã là sinh viên ở đây thì một số cập nhật này cũng có thể ảnh hưởng đến bạn.
Sau đây là một số thay đổi quan trọng sẽ được áp dụng ở Đức vào năm 2024 và 2025 mà các sinh viên Quốc tế cần biết:
Tính đến tháng 08.2024, theo quy định để học tập tại Đức, sinh viên Quốc tế cần 11.208 euro/năm hoặc 934 euro/tháng để trang trải chi phí sinh hoạt. Tài khoản phong tỏa tại ngân hàng vẫn là phương pháp dễ dàng nhất và được chấp nhận rộng rãi nhất để chứng minh bạn có số tiền này.
Từ ngày 01.09.2024, mức tài khoản phong toả mới được yêu cầu là 11.904 euro/năm hoặc 992 euro/tháng.
*Chú thích: tài khoản phong tỏa là một tài khoản ngân hàng đặc biệt được chính quyền Đức yêu cầu đối với người xin visa là sinh viên và người tìm việc làm. Trước khi chuyển đến Đức, bạn phải gửi €11.904 vào tài khoản ngân hàng đã đăng ký tại Đức. Số tiền này sẽ bị đóng băng và sau khi bạn đến, bạn chỉ có thể rút €992 hàng tháng cho các chi phí sinh hoạt của mình – đó là lý do tại sao nó được gọi là tài khoản phong tỏa.
Nguồn: https://www.germany-visa.org/banking-germany/blocked-account/
Kể từ ngày 01.01.2024, mức lương tối thiểu hợp pháp ở Đức đã tăng từ 12,00 euro lên 12,41 euro/giờ, dẫn đến mức lương hàng tháng tối thiểu (trước thuế) là 2.151 euro đối với người lao động toàn thời gian (làm việc 40 giờ/tuần).
Một đợt tăng lương khác dự kiến diễn sẽ ra vào ngày 01.01.2025, với mức lương tối thiểu sẽ tăng 41 cent, lên 12,82 euro/ giờ. Điều này sẽ nâng mức lương tối thiểu (trước thuế) cho người lao động toàn thời gian lên 2.222 euro/tháng.
Sinh viên ở Đức thường đi làm thêm (Mini-job) để trang trải một phần chi phí sinh hoạt. Đây là loại công việc mà bạn có thể làm mà không phải đóng toàn bộ tiền an sinh xã hội. Mức lương tối đa hiện tại quy định cho một Mini-job ở Đức là 538 euro/tháng.
Mức lương tối đa này sẽ tăng lên 556 euro/tháng kể từ ngày 01.01.2025.
Với mức lương tối thiểu theo giờ dự kiến là 12,82 euro/giờ bắt đầu từ đầu năm 2025, điều này có nghĩa là bạn có thể làm công việc Mini-job khoảng 43,3 giờ mỗi tháng. (Du học sinh tại Đức có thể hợp pháp làm việc tới 20 giờ mỗi tuần tương đương với khoảng 80 giờ một tháng).
Bắt đầu từ học kỳ mùa đông 2024/25, Đại học Kỹ thuật Munich (Technical University of Munich – TUM) sẽ thu học phí đối với sinh viên quốc tế đến từ các nước ngoài EU.
Sự thay đổi này nhằm ứng với “Đạo luật đổi mới giáo dục đại học” được ban hành gần đây của Bang Bavaria, cho phép các trường đại học thu học phí từ năm 2023 trở đi. TUM là trường đại học đầu tiên thực hiện chính sách này.
Sinh viên từ các nước ngoài EU dự định đăng ký học tại TUM trong học kỳ sắp tới hoặc sau đó sẽ phải chi trả mức học phí từ 2.000 euro đến 3.000 euro cho chương trình cử nhân và 4.000 euro đến 6.000 euro cho chương trình thạc sĩ. Học phí không áp dụng cho những sinh viên đăng ký trước thời hạn này.
Các trường đại học khác ở Bavaria như Đại học Ludwig Maximilian Munich (LMU) hay Đại học Passau sẽ không thu học phí.
Các trường đại học ở Đức sẽ được nhận khoảng 220 triệu euro để hỗ trợ hoạt động trao đổi quốc tế thông qua Chương trình Erasmus+ trong hai năm tới.
Trong tổng số này, 186 triệu euro sẽ được sử dụng để hỗ trợ trao đổi sinh viên và nhân viên ở nước ngoài, tăng 20 triệu euro so với năm 2023. Dự kiến Khoảng 58.000 sinh viên và nhân viên từ các trường đại học Đức sẽ được hưởng lợi từ cơ hội này.
Ngoài ra, khoản tiền 31 triệu euro sẽ được dành để tài trợ cho khoảng 7.000 chuyến thăm quốc tế tới Đức. Nếu bạn là sinh viên quốc tế đang có kế hoạch tới Đức thông qua Erasmus+ thì đây là tin vui dành cho bạn!
Dự án “Quan hệ đối tác” giữa các trường đại học Đức cũng dự kiến nhận được 11 triệu euro tiền tài trợ.
Từ ngày 01.03.2024, quyền làm việc của sinh viên quốc tế tại Đức được mở rộng sau khi giai đoạn hai của Đạo luật nhập cư dành cho lao động có tay nghề có hiệu lực.
Sau đây là những thay đổi chính:
- Tăng giờ làm thêm cho sinh viên. Sinh viên quốc tế hiện có thể làm việc tới 140 ngày toàn thời gian hoặc 280 ngày bán thời gian mỗi năm hoặc tối đa 20 giờ mỗi tuần. Sinh viên trong các chương trình dự bị đại học (khóa học ngôn ngữ, thực tập hoặc Studienkolleg) cũng sẽ được hưởng quyền này.
- Có thể làm việc bán thời gian khi nộp đơn vào một trường đại học ở Đức: Sinh viên tương lai (đã có visa du học) có thể làm việc tới 20 giờ mỗi tuần trong quá trình nộp đơn vào một cơ sở giáo dục đại học của Đức.
- Gia hạn cư trú và nới lỏng các yêu cầu về đào tạo nghề: Công dân nước thứ ba hiện có thể ở lại Đức tới 9 tháng để tìm kiếm cơ hội học nghề. Giới hạn độ tuổi của người nộp đơn đã được nâng lên 35 và trình độ tiếng Đức yêu cầu đã được hạ xuống mức B1. Họ cũng có thể làm việc bán thời gian tới 20 giờ mỗi tuần và thử việc trong tối đa hai tuần.
- Nhiều cơ hội việc làm hơn cho người học việc: Người học việc hiện có thể làm việc bán thời gian lên tới 20 giờ mỗi tuần song song với quá trình đào tạo của họ.
Bắt đầu từ học kỳ hè năm 2024, sinh viên tại các trường đại học Đức đã được hưởng lợi từ vé học kỳ (semester ticket) mới dựa trên vé „Deutschlandticket“. Vé học kỳ tiêu chuẩn có giá 29,40 euro mỗi tháng, rẻ hơn 40% so với giá thông thường. Vé sẽ được tính vào phí học kỳ của các trường đại học như thường lệ.
Với tấm vé này, sinh viên có thể đi lại trên toàn quốc bằng phương tiện giao thông địa phương, ngoại trừ các chuyến tàu đường dài như IC, ICE và EC. Điều này có nghĩa là bạn có thể sử dụng vé học kỳ của mình để không chỉ đi lại trong thành phố của bạn ở mà còn có thể khám phá các địa điểm mới trên khắp đất nước mà không phải trả thêm phí.
Bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS) đã công bố danh sách các trường đại học tốt nhất thế giới năm 2025. Năm trường đại học của Đức đã lọt vào danh sách 100 trường hàng đầu. Đại học Kỹ thuật Munich (TUM) xếp thứ 28 trên toàn cầu và xếp thứ nhất tại Đức.
Đại học Ludwig-Maximilians của Munich (LMU) theo sau ở vị trí thứ 59, trong khi Đại học Heidelberg xếp thứ 84, đồng hạng với Viện Công nghệ Tokyo. Đại học Tự do Berlin đứng ở vị trí thứ 97 và Đại học Aachen đứng thứ 99 trong danh sách.
Ngoài ra, bốn trường đại học khác cũng lọt vào danh sách top 200: Viện Công nghệ Karlsruhe (KIT), Đại học Humboldt Berlin, Đại học Kỹ thuật Berlin (TU Berlin) và Đại học Hamburg.
Bảng xếp hạng QS đánh giá các trường đại học dựa trên sáu chỉ số thuộc bốn hạng mục chính: danh tiếng nghiên cứu, môi trường học tập và giảng dạy, tác động nghiên cứu và quốc tế hóa.
GDP của Đức dự kiến sẽ phục hồi 1,0% vào năm 2025. Lạm phát cũng được dự báo sẽ chậm lại ở mức 2,0% vào năm 2025, so với mức 2,4% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2023. Thị trường lao động sẽ vẫn ổn định, với tỷ lệ thất nghiệp thấp khoảng 3,1%.
Triển vọng này trong dự báo mới nhất của Ủy ban Châu Âu cũng rất đáng khích lệ đối với sinh viên quốc tế. Khi lạm phát chậm lại, chi phí sinh hoạt có thể sẽ dễ dự đoán và quản lý hơn.
Thị trường việc làm ổn định và nhu cầu lao động liên tục cũng đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội việc làm bán thời gian hoặc thực tập dành cho sinh viên.
[1] “Must-Know Changes for Students in Germany in 2025” [Online]. Available: https://www.studying-in-germany.org/must-know-changes-for-students-in-germany-in-2025/ [Accessed: 28-Oct-2024].
[2] “BAföG reform 2024: The most important changes” [Online]. Available: https://www.bmbf.de/bmbf/shareddocs/faq/2401-bafoeg.html/ [Accessed: 28-Oct-2024].