HomeBài viết nổi bật Hành trang nào bạn cần chuẩn bị trước khi lên đường

Sẵn sàng khám phá nước Đức?

Hành trang nào bạn cần chuẩn bị trước khi lên đường

13.12.2024 | Híp

Chuyến bay đầu tiên đến Đức chắc chắn sẽ là một cột mốc đáng nhớ, với niềm hứng khởi xen lẫn chút lo lắng: làm sao biết mình nên mang theo gì đây? Bạn có thể muốn gói ghém cả “thế giới” của mình vào hành lý – từ đồ dùng thiết yếu đến những vật kỷ niệm nhỏ xinh hay những gia vị quen thuộc từ quê hương. Nhưng với hạn mức hành lý chỉ 30-40kg cho cuộc sống xa nhà trong 2-3 năm tới, sự cân nhắc kỹ lưỡng là rất cần thiết.

Vậy những gì là thực sự quan trọng, có món đồ nào bạn nên để lại không? Đâu là thứ nên để trong hành lý ký gửi, đâu là những vật dụng có thể mang theo trong hành lý xách tay? Đặc biệt, các quy định nhập cảnh nào của Đức cần chú ý để tránh mang theo những món đồ bị cấm là gì? Nếu những câu hỏi này vẫn còn làm bạn phân vân, đừng lo – GNG sẽ giúp bạn sắp xếp hành lý một cách khoa học và tối ưu nhất. Hãy để chuyến đi này là khởi đầu thuận lợi và hứng khởi cho hành trình du học Đức của bạn!

Hành trang du học Đức
Hành trang chuẩn bị du học Đức

Giấy tờ quan trọng

Khi chuẩn bị hành lý để du học tại Đức, các giấy tờ quan trọng là ưu tiên hàng đầu – vừa để hoàn thành các thủ tục, vừa để đảm bảo cho cuộc sống và học tập suôn sẻ. Đây là danh sách các giấy tờ cần thiết bạn nên mang theo, cùng với một vài mẹo hữu ích để bảo quản chúng:

Hộ chiếu và visa

Hộ chiếu là thứ không thể thiếu khi ra nước ngoài
Hộ chiếu là thứ không thể thiếu khi ra nước ngoài

Hộ chiếu là thứ không thể thiếu khi ra nước ngoài. Hãy photo, scan hoặc chụp lại các trang thông tin cá nhân, trang visa và lưu vào điện thoại hoặc máy tính. Như vậy, trong trường hợp mất giấy tờ, bạn vẫn có bản sao để sử dụng.

Ngoài ra, bạn cũng nên mang theo bản dịch công chứng của các giấy tờ quan trọng như:

  • Học bạ cấp 3
  • Bằng tốt nghiệp THPT
  • Bằng Đại học (nếu có)
  • Giấy báo trúng tuyển Đại học
  • Chứng nhận APS/TestAS
  • Chứng chỉ tiếng Đức
  • Giấy tờ gốc liên quan đến việc xin visa du học Đức (như giấy báo nhập học, hợp đồng học nghề, hợp đồng làm việc, giấy chứng minh tài chính, …)
  • Ảnh hộ chiếu (Passfoto) khoảng 10 tấm, theo chuẩn 35 x 45 mm để sử dụng khi làm các thủ tục như đăng ký cư trú, mở tài khoản ngân hàng, xin bảo hiểm và giấy tờ khác. Ở Đức, việc tìm nơi in ảnh không quá khó, nhưng giá cả thường đắt hơn so với Việt Nam.

Lưu ý quan trọng khi sắp xếp giấy tờ

Những giấy tờ quan trọng như hộ chiếu, visa tiền mặt nên luôn mang theo bên người, không nên để trong hành lý ký gửi để đề phòng mất cắp hoặc thất lạc hành lý.

Tiền mặt

Tiền mặt mang sang Đức
Chuẩn bị tiền mặt mang sang Đức

Khi mới sang Đức, nếu không có thẻ Visa hay Mastercard trước đó, bạn sẽ chưa thể sử dụng ngay tài khoản ngân hàng đã mở để chứng minh tài chính, vì cần hoàn thành thủ tục đăng ký địa chỉ thường trú (Anmeldung) mới có thể kích hoạt được tài khoản này. Quá trình này có thể mất khoảng 3-6 tuần, do đó, hãy chuẩn bị một khoản tiền mặt đủ để chi tiêu trong thời gian đầu.

Một số lưu ý quan trọng khi mang tiền mặt:

  • Nên mang các tờ tiền có mệnh giá nhỏ như 5, 10, 20 hoặc 50 Euro, giúp bạn dễ dàng thanh toán khi mua vé tàu, sắm đồ hoặc thanh toán các khoản nhỏ khác
  • Tránh mang tờ tiền có mệnh giá cao (200 và 500 Euro), vì các cửa hàng ở Đức hiện không chấp nhận các tờ tiền mệnh giá này
  • Ngoài ra, nếu bạn mang trên 10.000 Euro tiền mặt nhập cảnh, bạn phải khai báo với hải quan và cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số tiền

Quần áo, giày dép, phụ kiện và đồ dùng cá nhân

  • Một bộ quần áo thoải mái để mặc trên chuyến bay, giúp bạn dễ dàng di chuyển và phù hợp với thời tiết ở Đức khi vừa đến
  • Mùa đông ở Đức thường kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4, vì vậy nếu bạn đến Đức trong thời gian này, hãy chuẩn bị cho mình áo khoác ấm, giày cao cổ và phụ kiện giữ ấm như tất, găng tay, khăn và mũ len
  • Nếu bạn sang Đức vào mùa hè và chuyến bay của bạn hạ cánh ở Đức vào buổi sáng hoặc chiều tối, đừng quên mang theo một chiếc áo khoác mỏng, vì ngay cả trong mùa hè thì thời tiết ở Đức vào sáng sớm và buổi tối cũng khá mát mẻ
  • 1-2 đôi giày thể thao thoải mái là không thể thiếu, vì ở Đức, việc đi bộ là rất phổ biến và bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn trong các hoạt động hằng ngày
  • Quần bò, quần âu các loại: các bạn nhỏ người nên mua sẵn quần ở Việt Nam vì sẽ có kích cỡ phù hợp với bạn
  • Áo phông, áo len; tất mỏng, dày, đồ lót đủ dùng trong 3-4 tháng đầu
  • Dép đi trong nhà, khăn mặt, khăn tắm, bàn chải và kem đánh răng, mỹ phẩm và đồ dùng chăm sóc da
  • Kính cận có gọng dự phòng vì giá cắt kính ở đức khá cao, dao động từ 150-500 Euro/cặp nhưng lại ít lựa chọn về kiểu dáng và màu sắc
  • Ngoài ra, bạn cũng có thể mang theo một bộ đồ lịch sự – nam có thể chọn áo sơ mi và quần tây, còn nữ có thể mang một chiếc váy hoặc quần tây, áo sơ mi. Những bộ đồ này sẽ hữu ích khi bạn tham gia các sự kiện trang trọng, như buổi gặp gỡ ở trường hay phỏng vấn xin việc

Tuy nhiên, bạn cũng không cần lo lắng mà mang theo quá nhiều quần áo, vì bạn hoàn toàn có thể mua thêm khi sang Đức, đặc biệt vào mùa giảm giá (sale), khi quần áo thường được giảm giá mạnh. Điều này giúp bạn dễ dàng mua sắm thêm các món đồ chất lượng và hợp với thời tiết, phong cách của mình. Như vây, bạn sẽ tiết kiệm được không gian hành lý mà vẫn đảm bảo đủ đồ dùng cho mọi hoàn cảnh.

Đồ dùng học tập

  • Sách vở hoặc tài liệu cực kỳ cần thiết. Những tài liệu khác có thể được lưu trữ trên điện thoại hoặc laptop để giảm trọng lượng hành lý, tiết kiệm không gian và chỉ giữ lại những gì thực sự cần thiết cho việc học, giúp bạn di chuyển dễ dàng hơn
  • Một vài cây bút (như bút bi hoặc bút chì), nhưng không cần mang quá nhiều để tránh lãng phí vì có thể sẽ không dùng đến hết
  • Máy tính bỏ túi dùng cho các môn cần tính toán

Các thiết bị điện tử

Thiết bị điện tử cần thiết
Chuẩn bị các thiết bị điện tử cần thiết
  • Điện thoại là vật dụng không thể thiếu khi bạn ra ngoài. Nó không chỉ giúp bạn tra cứu thông tin và liên lạc với bạn bè, người thân khi cần trợ giúp mà còn là nơi lưu trữ các thông tin cá nhân quan trọng, đặc biệt là trong trường hợp bạn bị mất giấy tờ. Tại các sân bay Đức đều có wifi miễn phí, vì vậy chỉ cần có điện thoại, bạn có thể dễ dàng liên lạc với gia đình ngay khi vừa đặt chân đến. Nhưng đừng quên mang theo sạc nhé!
  • Đối với các bạn học sinh, sinh viên, laptop hoặc iPad là những thiết bị cực kỳ quan trọng phục vụ cho việc học tập. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải mua các thiết bị này tại Việt Nam, vì có thể mua tại Đức với bàn phím tiếng Đức. Lưu ý rằng giá thành sẽ có thể cao hơn một chút so với ở Việt Nam
  • Có thể đem theo 1 nồi cơm điện nhỏ. Bạn cũng có thể mua ở Đức nhưng giá sẽ đắt hơn và có thể nấu sẽ không ngon bằng

Ổ cắm đa năng

Do ổ cắm ở Đức thường là type F hoặc type E, vậy nên để tránh tình huống khó khăn nếu chân cắm của các thiết bị điện tử không tương thích với ổ cắm tại Đức, một ổ cắm đa năng sẽ giúp bạn dễ dàng sạc và sử dụng các thiết bị của mình mà không gặp trở ngại nào. Hãy chắc chắn rằng ổ cắm bạn mang theo có thể sử dụng cho nhiều loại phích cắm khác nhau để đảm bảo sự tiện lợi trong suốt thời gian sống và học tập tại Đức.

Ổ cắm type E

Thuốc men

Khi chuẩn bị hành lý cho chuyến du học, bạn cũng nên mang theo một số loại thuốc men thông thường với số lượng chỉ nên vừa đủ cho thời gian từ 6 tháng đến 1 năm để tránh tình trạng hết hạn sử dụng, cũng như để đảm bảo sức khoẻ trong những tình huống khẩn cấp, bao gồm:

  • Thuốc cảm cúm, nhức đầu
  • Thuốc hạ sốt
  • Thuốc giảm đau
  • Thuốc đau bụng/men tiêu hóa
  • Thuốc chống dị ứng
  • Một số kháng sinh cần thiết tuỳ theo thể trạng từng người, vì ở Đức, thuốc kháng sinh liều cao thường chỉ được bán khi có đơn của bác sĩ

Hãy chú ý tìm hiểu về thành phần của các loại thuốc bạn dự định mang theo

Một số thành phần có thể bị cấm hoặc hạn chế khi nhập cảnh vào Đức, vì vậy việc này rất quan trọng để tránh vô tình vi phạm quy định, dẫn đến việc không được nhập cảnh.

Nếu bạn có bệnh và cần mang theo thuốc đặc thù, hãy đóng gói đầy đủ trong vỏ hộp và xin đơn thuốc của bác sĩ để có thể giải thích nguồn gốc nếu cần. Tuyệt đối không được mang theo các loại thuốc không rõ xuất xứ.

Đối với các loại thuốc bổ, vitamin hay thực phẩm chức năng, bạn nên mua tại Đức để đảm bảo chất lượng hơn. Điều này không chỉ giúp bạn an tâm về mặt sức khỏe mà còn giúp bạn tránh được các rắc rối không đáng có khi nhập cảnh.

Thực phẩm, đồ ăn

Trong những ngày đầu ở Đức, bạn có thể sẽ chưa quen với ẩm thực địa phương, vì vậy hãy chuẩn bị một số đồ ăn cơ bản như mì tôm, cháo, phở ăn liền, bún, miến, phở khô hoặc đồ ăn vặt để không bị đói.

Đồng thời, bạn cũng cần chú ý đến các quy định về thực phẩm được phép và không được phép mang theo khi nhập cảnh vào Đức để tránh gặp rắc rối hoặc bị phạt.

Những thực phẩm được phép mang sang

  • Đồ hải sản khô như cá, mực, tôm … Những loại thực phẩm này cần phải được hút chân không, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo an toàn thực phẩm khi nhập cảnh vào Đức và không được quá 20kg
  • Cà phê, trà giá trị không quá 90 Euro
  • Măng khô
  • Thực phẩm đóng gói: Bún, miến, phở khô, mì tôm
  • Mật ong (không kèm tổ ong)

Những món không được mang theo

  • Các sản phẩm từ thịt như ruốc, pâté, khô gà, khô bò, xúc xích, lạp xưởng, giò, chả, …
  • Các sản phẩm làm từ sữa như sữa chua, bơ, phô mai, …
  • Khoai tây
  • Bánh chưng
  • Hoa quả tươi, hạt giống cây, các loại cây có lá (trừ dứa, dừa, sầu riêng, quả chà là)

Ngoài ra, bạn không cần phải quá lo lắng về việc tìm kiếm đồ ăn Việt Nam, vì ở Đức có nhiều chợ châu Á với đa dạng các loại gia vị Việt và nhiều món ăn quen thuộc khác. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng tìm thấy những món ăn yêu thích và không cảm thấy nhớ quê hương quá nhiều trong thời gian sống và học tập tại đây.

Một số lưu ý

Khi đóng đồ

Hành lý ký gửi:

  • Giới hạn cân nặng và số lượng kiện hàng của mỗi hành khách khác nhau tùy theo từng hãng bay và loại vé
  • Thông thường, mỗi kiện hàng ký gửi không được vượt quá 30 kg
  • Một số hãng bay, thậm chí chỉ cho phép tối đa 23 kg cho mỗi kiện hàng
  • Bạn được phép mang theo đồ uống có cồn hoặc các sản phẩm dạng lỏng có dung tích trên 100 ml tùy theo quy định của mỗi hãng bay
  • Dao, kéo và đồ vật nhọn được phép mang trong hành lý ký gửi
  • Nồi cơm điện hay máy móc không có pin vẫn được phép đóng gói trong hành lý ký gửi
  • Không nên để các thiết bị điện tử có pin, sạc hoặc nam châm điện trong hành lý ký gửi

      
Hành lý xách tay:

  • Quy định chung:
    • Trọng lượng hành lý xách tay không được quá 10 kg
    • Kích thước: Chiều dài x rộng x cao tối đa không vượt quá 55 cm x 40 cm x 25 cm (kích thước có thể thay đổi tùy theo quy định của từng hãng bay)
    • Túi xách cá nhân: Các bạn nữ có thể mang theo một túi xách cá nhân nhỏ, để vừa dưới gầm ghế ngồi
  • Quy định về chất lỏng:
    • Chỉ được mang các loại chất lỏng có dung tích dưới 100 ml mỗi lọ.
    • Tổng dung tích của các lọ không vượt quá 1000 ml.
    • Các lọ chất lỏng phải được để trong túi zip chống thấm nước.
  • Những đồ vật nên để trong hành lý xách tay:
    • Đồ vật có giá trị: Tiền mặt, trang sức, thiết bị điện tử
    • Giấy tờ quan trọng: Hộ chiếu, visa, giấy tờ học tập
    • Vật dụng cần lấy ra để kiểm tra an ninh: Laptop, các thiết bị điện tử có pin.

Khi đóng đồ

Khi nhập cảnh vào Đức và các nước trong Liên minh Châu Âu, bạn cần chú ý đến quy định khai báo thuế đối với những hàng hóa có giá trị cao:

  • Quy định về khai báo thuế:
    • Đồ xa xỉ: Sản phẩm có giá trị từ 400 Euro trở lên được coi là đồ xa xỉ và phải khai báo khi nhập cảnh để kiểm tra việc đăng ký thuế
    • Đồ dùng cá nhân: Nếu là đồ vật cá nhân không có mục đích kinh doanh, bạn nên tháo bỏ nhãn mác hoặc vỏ hộp để tránh bị đánh giá là hàng hóa thương mại
  • Cổng khai báo thuế:
    • Ở sân bay thường có hai cổng ra:
      • Cổng Nothing to claim: Dành cho những ai không cần khai báo thuế
      • Cổng Tax claim: Dành cho những ai cần khai báo thuế cho hàng xa xỉ hoặc hàng để kinh doanh
    • Bình thường, bạn có thể đi qua cổng Nothing to claim nhưng cũng có thể bị chặn lại để kiểm tra hành lý nếu nhân viên hải quan thấy nghi ngờ
  • Khi bị kiểm tra:
    • Nếu bạn bị yêu cầu kiểm tra, hãy bình tĩnh và hợp tác với nhân viên an ninh. Đây là quy trình bình thường và không có gì đáng lo ngại
    • Nếu nhân viên hỏi về giá của một món đồ nào đó, bạn có thể giải thích rằng đây là món đồ được tặng ở Việt Nam hoặc là đồ dùng cá nhân mà bạn đã mua ở Việt Nam mà không có hóa đơn.

Việc chuẩn bị trước và nắm rõ các quy định sẽ giúp bạn tránh được rắc rối không cần thiết và đảm bảo quá trình nhập cảnh diễn ra thuận lợi.

Lời kết

Hy vọng rằng những thông tin mà GNG đã chia sẻ sẽ giúp bạn định hướng và sắp xếp hành trang một cách hiệu quả cho hành trình chuẩn bị đến nước Đức. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngần ngại liên hệ với GNG để được hỗ trợ nhé!

GNG chúc bạn có một hành trình du học thuận lợi và thành công!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

zalo-icon
facebook-icon
error: Content is copyrighted and protected!!