HomeTin Tức Tìm hiểu về các loại thị thực và luật nhập cư Đức

Tìm hiểu về các loại thị thực (visa) và luật nhập cư Đức

12.12.2024 | Thu Hương

Là một trong những nền kinh tế phát triển nhất châu Âu, từ lâu Đức đã thu hút người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới. Luật nhập cư của Đức quy định về đối tượng, quá trình nhập cảnh và quyền lợi, nghĩa vụ của người nhập cư.

Công dân nước ngoài có thể xin nhập cư Đức với các lý do chính đáng, bao gồm:

  • Nhập cư để làm việc
  • Nhập cư để học tập
  • Nhập cư cho doanh nhân
  • Nhập cư để đoàn tụ gia đình
  • Nhập cư để định cư lâu dài
Nhập cư Đức
Tìm nhà bằng cách hỏi thăm người quen và cộng đồng

Yêu cầu chung để nhập cư vào Đức

Các lý do nhập cư khác nhau sẽ cần những yêu cầu cụ thể khác nhau. Tuy nhiên những yêu cầu này vẫn có những điểm tương đồng như sau:

Chứng minh sự ổn định về tài chính

Mỗi mục đích nhập cư đều có một ngưỡng tài chính mà người nộp đơn cần phải đáp ứng, nhưng bất kể mục đích gì, người nộp đơn phải chứng minh rằng họ có thể tự trang trải cho các chi phí sinh hoạt ở Đức. Ngay cả khi bạn sẽ làm việc ở Đức, bạn vẫn phải có số tiền ban đầu để trang trải chi phí cho đến khi nhận được lương.

Có bảo hiểm y tế

Bạn sẽ không thể nhập cư vào Đức nếu không có bảo hiểm y tế phù hợp. Cách được khuyến nghị là mua bảo hiểm y tế của Đức vì bạn không thể chắc chắn liệu chính quyền Đức có chấp nhận bảo hiểm y tế nước ngoài hay không.

Có trình độ tiếng Đức phù hợp

Để có thể sống ở Đức, bạn cần phải biết tiếng bản địa. Tùy vào mục đích nhập cư mà trình độ tiếng Đức được yêu cầu cũng khác nhau. Trình độ tiếng Đức được đánh giá dựa trên Khung tham chiếu ngôn ngữ chung Châu Âu (CEFR).

Khung tham chiếu ngôn ngữ chung Châu Âu (CEFR)

Khung tham chiếu ngôn ngữ chung Châu Âu có ba cấp độ thành thạo ngôn ngữ A, B và C, và mỗi cấp độ chia thành hai bậc:

  • A1/A2 (cơ bản)
  • B1/B2 (thành thạo ngôn ngữ)
  • C1/C2 (kỹ năng ngôn ngữ nâng cao)

Nhận được thị thực (visa) Đức

Công dân Việt Nam nằm trong số các quốc gia bắt buộc phải xin thị thực để nhập cảnh vào Đức. Các loại thị thực được cấp dựa trên lí do nhập cư được liệt kê ở trên, bao gồm:

  • Visa du học, du học nghề
  • Visa tìm việc
  • Visa làm việc
  • Visa nhà khoa học khách mời
  • Visa đào tạo/thực tập
  • Visa đoàn tụ gia đình để đoàn tụ với người thân hoặc vợ/chồng

Trong khuôn khổ bài viết này, GNG chỉ đề cập đến một số loại hình nhập cư thông dụng.

Một số loại hình nhập cư

Nhập cư để làm việc

Nước Đức đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt công nhân có kĩ năng và người lao động có trình độ cao. Do đó, các công ty Đức liên tục tìm kiếm các kỹ sư, chuyên gia CNTT, nhân viên y tế và các chuyên gia có trình độ trong các lĩnh vực khác. Để khuyến khích những người lao động có tay nghề và trình độ cao tới Đức, cơ quan quản lý nhập cư đã nới lỏng các yêu cầu nghiêm ngặt đối với việc đến Đức và làm việc.

Nghề Cơ Điện Tử
Nhập cư Đức để làm việc

Vì vậy, một trong các cách nhập cư vào Đức phổ biến nhất là tìm việc làm tại quốc gia này. Các bước để chuyển tới Đức làm việc bao gồm:

  • Tìm việc làm ở Đức, nơi chấp nhận công dân nước ngoài.
  • Nộp đơn xin Visa làm việc ở Đức.
  • Chuyển đến Đức và nhận giấy phép cư trú làm việc.

Hoặc đăng ký Thẻ Cơ hội (Chancekarte)

Thẻ cơ hội (Chancekarte)

Một loại giấy phép cư trú cho phép công dân ngoài EU sống ở Đức trong tối đa một năm để tìm việc làm. Tìm hiểu thêm tại link [2] cuối bài viết.

Các yêu cầu đối với thị thực làm việc bao gồm:

  • Bằng cấp của bạn phải được công nhận ở Đức hoặc có thể so sánh với bằng cấp học thuật của Đức. Bạn sẽ cần có giấy phép hành nghề nếu muốn làm việc trong một ngành nghề được nhà nước quản lý, ví dụ như trong lĩnh vực y tế.
  • Bạn có một lời mời làm việc cụ thể từ một nhà tuyển dụng ở Đức. Công việc bạn được mời phải là một vị trí có trình độ chuyên môn, thường sẽ cần có trình độ học vấn hoặc đào tạo nghề đủ tiêu chuẩn để thực hiện công việc.
  • Công việc của bạn không nhất thiết phải liên quan đến trình độ chuyên môn của bạn. Tuy nhiên, bạn sẽ cần có giấy phép hành nghề nếu muốn làm việc trong một ngành nghề được quản lý.
  • Nếu bạn trên 45 tuổi và lần đầu tiên đến Đức làm việc, công việc bạn dự định làm ở Đức phải cho phép bạn kiếm được tổng mức lương hàng năm ít nhất là €53,130 (tính đến năm 2025) hoặc bạn phải chứng minh được rằng bạn có lương hưu hợp lý bằng việc đưa ra các bằng chứng thích hợp về việc bảo đảm an sinh tuổi già (ví dụ: bất động sản, chứng khoản, bảo hiểm, v.v.).

Nhập cư để học tập

Không giống như các quốc gia như Hoa Kỳ, nơi có học phí rất cao, các trường học ở Đức có mức học phí rất thấp hoặc không thu học phí. Vì lý do này, Đức là một nơi phổ biến để nhập cư vì mục đích giáo dục.

Học tiếng Đức đại GNG. Learn German at GNG
Nhập cư Đức để học tập

Các loại thị thực cho mục đích học tập bao gồm:

Visa cho khoá học ngôn ngữ

Dành cho học viên tham gia khoá học tiếng Đức trong thời gian tối đa là 01 năm.

Visa xin nhập học Đại học (Visum Zur Studienbewerbung)

  • Dành cho sinh viên đã đăng ký học đại học hoặc dự bị, đã được xác nhận là người nộp đơn và có triển vọng được nhận vào học nhưng chưa được chính thức nhận vào học vì họ phải tuân thủ quy định về các yêu cầu nhập học khác, như việc tham gia một kỳ thi hoặc một cuộc phỏng vấn hoặc các yêu cầu khác.
  • Loại visa này có thời hạn 03 tháng và được gia hạn thông qua giấy phép cư trú tạm thời thêm 06 tháng tại Đức để bạn có thể chuẩn bị và đáp ứng đủ các yêu cầu nhập học đầy đủ và chuyển đổi giấy phép cư trú để học tập một khi đã được nhận vào học.

Visa du học Đại học (Visum Zu Studienzwecken)

Dành cho học viên đã được chấp nhận vào một cơ sở giáo dục của Đức. Các yêu cầu đầu vào dành cho sinh viên bao gồm:

  • Đã được nhận vào một tổ chức giáo dục đại học được nhà nước công nhận ở Đức
  • Có thể trang trải chi phí sinh hoạt trong suốt thời gian học tập của mình. Bạn có thể chứng minh bằng tài khoản phong tỏa (ít nhất €11,208 vào năm 2024; ít nhất €11,904 vào năm 2025); học bổng hoặc cam kết bảo lãnh
  • Một số chương trình yêu cầu trình độ ngôn ngữ nhất định, thường là cấp độ B2 của Khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR)

Visa du học nghề (Visum zur Berufsausbildung)

Dành cho học viên tới Đức để tham gia học nghề. Các yêu cầu đầu vào dành cho học viên bao gồm:

  • Tốt nghiệp Trung học phổ thông
  • Trình độ tiếng Đức tối thiểu B1 (một số ngành nghề yêu cầu trình độ B2)
  • Tuổi dưới 35
  • Hợp đồng học nghề với một doanh nghiệp tại Đức
  • Có khả năng trang trải chi phí sinh hoạt trong toàn bộ thời gian lưu trú của mình (ít nhất €959 mỗi tháng vào năm 2025) thông qua hợp đồng học nghề hoặc tài khoản phong tỏa nếu mức trợ cấp học nghề chưa đạt đủ mức theo quy định

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về hình thức du học nghề tại đường link này

Nếu bạn hoàn thành chương trình học của mình, bạn có thể ở lại Đức để tìm việc làm trong một thời gian giới hạn (đối với du học Đại học và du học Nghề là 18 tháng). Nếu tìm được việc làm trong thời gian đó, bạn được phép ở lại Đức.

Để kịp thời cập nhật chi tiết về các hồ sơ cần chuẩn bị trong quá trình xin visa, đặt hẹn xin visa và theo dõi tiến trình hồ sơ cho từng trường hợp, bạn hãy truy cập website của Trung tâm hỗ trợ hồ sơ xin thị thực VFS Global (tìm hiểu thêm tại link [5] cuối bài viết).

Giấy phép cư trú Đức

Khi bạn nhận được một trong các thị thực nhập cư và nhập cảnh vào nước Đức, bạn sẽ liên lạc với cơ quan nhập cư để đăng ký giấy phép cư trú tại Đức. Giấy phép cư trú có hai loại là tạm thời hoặc vĩnh viễn tùy thuộc vào mục đích nhập cư của bạn.

  • Giấy phép cư trú tạm thời cho phép người nước ngoài ở lại Đức trong một thời gian nhất định và sau đó trở về nước họ.
  • Giấy phép cư trú vĩnh viễn có nghĩa là người nước ngoài có thể ở lại Đức bao lâu họ muốn, có thể rời đi và trở về Đức bất cứ khi nào họ muốn. Tuy nhiên, giấy phép cư trú vĩnh viễn không có nghĩa là bạn có được tất cả các quyền như một công dân Đức.

Giấy phép cư trú tạm thời

Loại giấy phép cư trú này được sử dụng cho tất cả các mục đích nhập cư nêu trên và cho những mục đích khác, chẳng hạn như hoàn thành các khóa đào tạo, dành cho những người Đức trước đây muốn quay trở lại Đức và những người đến Đức vì lý do chính trị và nhân đạo. Giấy phép cư trú tạm thời có giá trị trong một thời gian và có thể được gia hạn.

Thẻ xanh Liên minh Châu Âu (die Blaue Karte EU)

Thẻ xanh EU được cấp trong thời hạn hợp đồng lao động của bạn cộng thêm ba tháng và có giá trị tối đa bốn năm. Có thể gia hạn hiệu lực của quyền cư trú này ở Đức nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Các điều kiện để được cấp thẻ xanh EU bao gồm:

  • Bạn có bằng cấp học thuật của Đức hoặc bằng cấp học thuật nước ngoài tương đương với bằng cấp học thuật của Đức. Nếu bạn không có bằng cấp học thuật truyền thống, bạn phải chứng minh rằng bạn có bằng cấp đại học (chương trình tối thiểu ba năm) để có được Thẻ xanh EU. Ở Đức, trình độ chuyên môn này phải tương ứng với ít nhất cấp độ 6 của Phân loại giáo dục tiêu chuẩn quốc tế (ISCED 2011) hoặc cấp độ 6 của Khung trình độ chuyên môn Châu Âu, ví dụ như “Đào tạo thợ thủ công bậc thầy” hoặc bằng cấp nghề trong ngành nghề giáo dục.
  • Bạn đã nhận được lời mời làm việc cụ thể từ một công ty ở Đức. Lời mời làm việc phải đáp ứng các điều kiện sau:
    • Thời gian làm việc phải ít nhất là 06 tháng.
    • Công việc phải phù hợp với trình độ chuyên môn của bạn (bằng cấp học thuật). Nếu cần có giấy phép hành nghề (các ngành nghề được quy định), giấy phép này phải có sẵn hoặc có thể có tại thời điểm nộp đơn xin thị thực.
    • Công việc của bạn ở Đức phải có tổng mức lương hàng năm ít nhất là 45.300€ (tính đến năm 2024)
  • Nếu bạn đang làm việc trong một ngành nghề được coi là “ Ngành nghề thiếu nhân lực” (Mangelsberuf – tìm hiểu thêm tại link [4] cuối bài viết), bạn cũng có thể nhận được Thẻ xanh EU với tổng mức lương hàng năm ít nhất là 41.041,80 € (tính đến năm 2024) nếu Cơ quan Việc làm Liên bang (BA) đã chấp thuận việc làm của bạn. Ngưỡng lương tối thiểu được Bộ Nội vụ và Cộng đồng Liên bang công bố hàng năm.

Sau 27 tháng, người có Thẻ xanh EU có thể nhận được Giấy phép cư trú vĩnh viễn nếu họ có thể chứng minh rằng họ có kỹ năng tiếng Đức ở cấp độ A1 theo Khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR) và thỏa mãn một số điều kiện khác. Nếu chứng minh được trình độ ngôn ngữ B1, giấy phép định cư có thể được cấp chỉ sau 21 tháng.

Giấy phép cư trú vĩnh viễn (Niederlassungserlaubnis)

Là một người lao động có tay nghề, trong một số điều kiện nhất định, bạn có thể nộp đơn xin quyền thường trú, còn được gọi là giấy phép cư trú vịnh viễn theo Mục 18c của Đạo luật cư trú (AufenthG). Giấy phép cư trú vĩnh viễn giúp bạn có thể sống ở Đức cùng gia đình mà không có bất kỳ hạn chế nào. Bạn cũng có thể đi làm hoặc tự kinh doanh.

Người lao động có tay nghề

Theo Đạo luật cư trú (AufenthG), bạn được coi là người lao động có tay nghề nếu bạn thuộc một trong những nhóm người sau:

  • Những người đã hoàn thành chương trình giáo dục và đào tạo nghề có trình độ ở Đức hoặc có bằng cấp nghề nước ngoài tương đương với bằng cấp ở Đức (Mục 18a của Đạo luật cư trú [AufenthG] kết hợp với Mục 18 (3) số 1 của Đạo luật cư trú Đạo luật cư trú [AufenthG])
  • Những người có bằng đại học Đức, bằng đại học nước ngoài được công nhận hoặc bằng đại học nước ngoài tương đương với bằng cấp của Đức (Mục 18b của Đạo luật cư trú [AufenthG] kết hợp với Mục 18 (3) số 2 của Đạo luật cư trú [AufenthG])
  • Người có Thẻ xanh EU (Mục 18g của Đạo luật cư trú [AufenthG])
  • Các nhà nghiên cứu quốc tế theo Chỉ thị (EU) 2016/801 (Mục 18d của Đạo luật cư trú [AufenthG])

Các yêu cầu về giấy phép cư trú vĩnh viễn đối với người đã hoàn thành chương trình giáo dục đại học hoặc đào tạo nghề ở Đức, người có Thẻ xanh EU, công nhân có tay nghề cao hay người tự kinh doanh sẽ khác nhau. Trong khuôn khổ bài viết này, GNG sẽ trình bày về Giấy phép cư trú vĩnh viễn cho người đã hoàn thành chương trình giáo dục đại học hoặc đào tạo nghề ở Đức.

Nếu bạn đã hoàn thành chương trình giáo dục đại học hoặc đào tạo nghề ở Đức, các yêu cầu dành cho bạn liên quan đến giấy phép cư trú vĩnh viễn như sau:

  • Bạn đã có giấy phép cư trú để làm việc với tư cách là người lao động có tay nghề (giấy phép cư trú theo Mục 18a, 18b, 18d hoặc 18g của Đạo luật cư trú [AufenthG]) trong ít nhất hai năm.
  • Bạn có một công việc mà giấy phép cư trú của bạn cho phép bạn làm.
  • Bạn đã đóng vào chương trình bảo hiểm hưu trí theo luật định trong 24 tháng.
  • Bạn có thể chứng minh các kỹ năng ngôn ngữ tiếng Đức ở cấp độ B1 của Khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR) và có kiến thức cơ bản về hệ thống pháp luật, xã hội và lối sống ở Đức. Điều này thường được chứng minh bằng bài kiểm tra “Das Leben in Deutschland ” (Cuộc sống tại Đức).
  • Bạn có thể chứng minh rằng bạn có đủ không gian sống.

Lời kết

Nhằm thu hút nhân tài cũng như nguồn lao động có tay nghề cao, chính phủ Đức đã nới lỏng quy định nhập cư cũng như ban hành các chính sách nhập cư khác nhau phù hợp với từng đối tượng và mục đích khác nhau. Nếu bạn có nhu cầu nhập cư vào Đức thông qua hình thức du học đại học hoặc du học nghề, hãy liên hệ với GNG để được tư vấn chi tiết nhé.

Trích Dẫn

[1] “Immigration to Germany” Germany-visa.org. [Online]. Available: https://www.germany-visa.org/immigration/ [Accessed: 05-Nov-2024].

[2] “Germany Opportunity Card Chancenkarte”. Germany-visa.org. [Online]. Available: https://www.germany-visa.org/immigration/residence-permit/opportunity-card/ [Accessed: 05-Nov-2024].

[3] “Visa & residence”. www.make-it-in-germany.com. [Online]. Available: https://www.make-it-in-germany.com/en/visa-residence/ [Accessed: 05-Nov-2024].

[4] https://www.mangelberufe.de/ [Accessed: 05-Nov-2024].

[5] “Apply for a visa”. www.visa.vfsglobal.com. [Online]. Available: https://visa.vfsglobal.com/vnm/en/deu/apply-visa/ [Accessed: 05-Nov-2024].

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

zalo-icon
facebook-icon
error: Content is copyrighted and protected!!