Ông bà ta có câu: “An cư thì mới lạc nghiệp” nên việc có được một nơi ở phù hợp đóng góp một phần không nhỏ trong trải nghiệm học tập, làm việc và sinh sống tại Đức. Tuy nhiên, tìm nhà tại Đức là một vấn đề khá “đau đầu” không chỉ đối với các bạn du học sinh mà còn đối với chính người bản địa, đặc biệt là ở những thành phố lớn, nơi mà giá thuê nhà cao và nhu cầu lúc nào cũng nhiều hơn khả năng cung cấp.
Để giúp các bạn có thêm thông tin trong hành trình tìm được nơi ở phù hợp cho bản thân, GNG chia sẻ một số thông tin về nền tảng tìm nhà, những thứ cần chuẩn bị trong lúc tìm nhà và những điều cần lưu ý.
Chắc các bạn cũng có thể đoán được nơi đầu tiên để tìm nhà là trên Internet. Có rất nhiều nền tảng trực tuyến để tìm nhà và mỗi nền tảng tập trung vào một nhóm đối tượng với những nhu cầu khác nhau. Hãy cùng GNG điểm qua những nền tảng phổ biến này.

ImmoScout24 là nền tảng bất động sản nổi tiếng nơi mọi người có thể mua/bán, thuê/cho thuê đất, căn hộ và nhà riêng. Để tham gia nền tảng này các bạn chỉ cần tạo một tài khoản, điền thông tin cá nhân. Sau đó, bạn có thể thiết lập các bộ lọc như thành phố, bán kính tìm kiếm, số phòng, cũng như ngân sách để bắt đầu tìm một nơi ở cho mình. Với những nơi ở bạn cảm thấy phù hợp, bạn có thể liên lạc trực tiếp với người đăng bằng cách nhắn tin để thu xếp một buổi đến xem nhà.
ImmoScout24 còn có gói tài khoản đóng phí. Với gói tài khoản này, bạn sẽ được xem những căn hộ hoặc nhà mà không xuất hiện ở tài khoản miễn phí, cũng như xem được sớm hơn so với tài khoản miễn phí. Bên cạnh đó, tài khoản trả phí sẽ chuẩn bị cho bạn một bộ Portfolio (tổng hợp các giấy tờ thể hiện khả năng tài chính của bạn trong việc chi trả cho căn hộ) cũng như làm SCHUFA (xem Trích Dẫn [1]) miễn phí để tiện cho việc chia sẻ thông tin với người cho thuê. Ngoài ra, tài khoản đóng phí còn đưa ra thống kê về những người “cạnh tranh” đang cùng quan tâm tới một căn hộ, ví dụ như: lượng người quan tâm, lượng người đã liên lạc với người cho thuê, nhóm nghề và thu nhập để giúp bạn xác định xem cơ hội của mình là bao nhiêu.

WG là viết tắt của từ Wohngemeinschaft, có thể dịch nôm na là căn hộ chia sẻ (shared flat). Như tên gọi của nó, nền tảng này tập trung vào việc cho thuê một phòng trong một căn hộ. Điều này có nghĩa là bạn sẽ dùng chung công trình phụ (bếp và nhà tắm) với một số bạn khác. Nền tảng này tập trung chủ yếu vào các bạn sinh viên với thu nhập hạn chế hoặc những bạn có phong cách sống cởi mở, thích giao lưu, tiếp xúc với nhiều người. Điều thú vị của nền tảng này là ngoài những thông tin căn bản về căn hộ cho thuê, còn có thêm mục “Đời sống WG” nhằm mô tả phong cách sinh hoạt cũng như tính cách của các bạn chung nhà tương lai. Chức năng này sẽ giúp cho các bạn “vibe check” trước khi liên lạc với người cho thuê, giảm thiểu rủi ro sau này khi sống chung mới cảm thấy không hợp với các bạn cùng nhà.

Lợi ích không phải bàn của việc ở WG là tiền nhà rẻ hơn so với việc ở một mình. Ngoài ra bạn còn có cơ hội tiếp xúc với nhiều người và nhiều nền văn hóa khác nhau, có thêm nhiều bạn mới, cải thiện vốn ngôn ngữ cũng như học cách sống chung với người lạ. Mặt khác, bất lợi của việc ở WG là bạn thường phải chia sẻ phòng tắm, phòng khách và bếp với các bạn cùng nhà. Đôi khi phong cách sống, thói quen sinh hoạt quá khác nhau có thể dẫn tới xích mích, căng thẳng.

Kleinanzeigen, về cơ bản, là một nền tảng để mọi người mua bán đồ cũ hoặc những thứ lặt vặt khác. Tuy nhiên nó cũng là nơi bạn có thể tìm nhà và sự cạnh tranh trên nền tảng này cũng không kém cạnh so với các nền tảng khác.
Việc sử dụng nền tảng này cũng đơn giản. Bạn chỉ việc tạo tài khoản với thông tin cơ bản của mình. Sau đó thiết lập các bộ lọc phù hợp với nhu cầu nơi ở và bắt đầu tìm kiếm. Khi tìm được nhà phù hợp, bạn có thể liên lạc với người đăng tin để thu xếp một cuộc hẹn xem nhà.

Ngoài các nền tảng trực tuyến, bạn có thể hỏi thăm trực tiếp đồng nghiệp và bạn bè. Biết đâu đấy “bạn của bạn của bạn bạn” đang tìm người thuê nhà thì sao? Nguồn tìm nhà này có một lợi thế rất lớn là do có quen biết trực tiếp nên bạn sẽ dễ dàng được giới thiệu cũng như được hẹn đi xem nhà.
Ngoài ra, nếu bạn là sinh viên của trường đại học thì bạn có thể đăng ký vào danh sách chờ để nhận phòng ở ký túc xá của trường. Khi có phòng trống thì ban quản lý ký túc xá sẽ liên lạc với bạn (Nếu đợi lâu quá mà không thấy ai liên lạc thì bạn có thể đến văn phòng quản lý ký túc xá để được xem xét nhanh hơn nhé).
Cuối cùng, bạn cũng có thể đăng tin tìm nhà trên Facebook ở các hội nhóm sinh viên cũng như cộng đồng người Việt ở nơi bạn sinh sống.
Để giúp cho việc tìm nhà dễ dàng hơn, bạn nên lập ra những tiêu chí mong muốn của mình. Ví dụ như:
- Ngân sách
- Share phòng hay ở riêng
- Diện tích nhà/phòng
- Nhà gần các phương tiện công cộng
- Nhà gần chợ và các tiện ích khác
- Nhà trong trung tâm hay ngoại ô
- Nhà gần chỗ làm/học
Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị một số giấy tờ mà thường được yêu cầu bởi người cho thuê nhà:
- Sơ yếu lý lịch (Mieterselbstauskunft) – Xem bản tham khảo tại Trích Dẫn [2]
- Bảng lương ba tháng gần nhất (Nếu chưa có đủ ba tháng lương gần nhất, bạn có thể sử dụng hợp đồng lao động của mình)
- Diện tích nhà/phòng
- SCHUFA-BonitätsAuskunft (xem Trích Dẫn [1])
- Nếu bạn có người thân ở Đức, bạn có thể nhờ người thân bảo lãnh (Bürgschaft – xem Trích Dẫn [3])
Thêm vào đó, một tin nhắn giới thiệu về bản thân mình một cách “chuẩn chỉnh” khi liên lạc với người cho thuê cũng góp phần nâng cao cơ hội được mời đi xem nhà. Trong tin nhắn giới thiệu, các bạn có thể kèm những thông tin sau:
- Tên, tuổi, và nghề nghiệp
- Lí do bạn tìm nhà (ví dụ: công việc, thay đổi chỗ ở, v.v.)
- Bạn có hút thuốc không?
- Bạn có thú nuôi không?
- Bạn có ý định ở lâu dài không?
- Một vài nét tính cánh của bạn có thể giúp tạo ấn tượng tốt
GNG sẽ gợi ý cho các bạn một đoạn giới thiệu bản thân để tham khảo bằng tiếng Đức trong một bài viết khác.
Do nhu cầu tìm nhà rất cao nên có rất nhiều đối tượng lợi dụng việc cho thuê nhà để lừa đảo. Đặc biệt các đối tượng này nhắm vào người nước ngoài và các bạn mới sang Đức, khả năng tiếng còn hạn chế và ‚dễ tin người‘. Dưới đây GNG điểm qua một số biểu hiện lừa đảo để các bạn có thể nhận biết và chủ động tránh:
- Sử dụng tiếng Anh hoặc tiếng Đức nhưng sai chính tả rất nhiều khi giao tiếp
- Nhà rất đẹp, rộng, ở ngay trung tâm thành phố nhưng giá rẻ bất ngờ (so với các căn tương tự trong cùng khu vực)
- Hình ảnh nhà mờ ảo, không rõ ràng, các phòng rất không liên quan với nhau
- Luôn có một câu chuyện hơi “lòng vòng” như sống ở nước ngoài, nhà đang bỏ trống hay ba mẹ mất, nhà bỏ trống nên tìm người cho thuê
- Không hẹn xem nhà, hẹn gặp mặt mà chỉ hối thúc các bạn thuê nhanh
- Đặc biệt họ sẽ yêu cầu các bạn chuyển trước tiền nhà và tiền đặt cọc qua các nền tảng chuyển tiền trực tuyến (ví dụ như Western Union), sau đó người ta sẽ chuyển chìa khóa qua bưu điện.
Các bạn đừng chủ quan vì trong tâm lý hoang mang khi đã tìm rất lâu mà vẫn chưa tìm được nhà, các bạn sẽ muốn nắm bắt thật nhanh những cơ hội đến với mình và dễ bị dẫn dắt. Tuy nhiên, nếu gặp các điểm nhận biết trên, các bạn nên chậm lại một bước và kiểm tra lại thông tin bằng việc hỏi những người xung quanh mình hoặc trên hội sinh viên trên Facebook. Đặc biệt lưu ý tuyệt đối không chuyển bất kỳ khoản tiền nào trước khi xem nhà!
Với những thông tin trên, GNG hi vọng sẽ giúp cho các bạn có được sự chuẩn bị tốt nhất trong hành trình tìm nơi ở phù hợp với mình. Ở bài tiếp theo, GNG sẽ đề cập đến những điều lưu ý khi đi xem nhà cũng như lúc kí hợp đồng.
Leave a Reply